Lượt xem: 217
Ý nghĩa của Lễ Lôi Protip của đồng bào Khmer
24/10/2024
Hằng năm, vào ngày Rằm tháng 9 Âm lịch (một tháng trước lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo), là thời điểm các chư tăng kết thúc kỳ hạ, đồng bào Khmer Sóc Trăng nói chung và người Khmer huyện Long Phú nói riêng đều háo hức chuẩn bị cho Lôi Protip, một nghi lễ truyền thống lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa của người Khmer. Đây không chỉ là một sự kiện tôn giáo hay nghi thức cúng dường mà còn mang những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Trước đây, đèn Protíp (hoa đăng) thường được làm từ bè chuối hoặc tre nứa ghép lại thành hình thuyền, mô hình chùa, tháp, hoặc các loài vật theo tín ngưỡng. Theo thời gian, khi đời sống người Khmer phát triển, vật liệu làm đèn nước cũng phong phú và đa dạng hơn về màu sắc và chất liệu, tạo ra nhiều mô hình nghệ thuật hơn. Các nghệ nhân Khmer chế tác đèn nước từ nhiều chất liệu khác nhau, tạo thành hoa đăng với các mô hình như chánh điện, Sala, rồng, chim, hoa sen,... trang trí bằng hoa văn và bóng đèn, tỏa sáng lung linh, huyền ảo trên mặt nước. Lễ Lôi Protip đã trở thành một lễ hội dân gian truyền thống, mang yếu tố văn hóa và tâm linh. Cộng đồng rước đèn quanh xóm làng, có khi có đội trống Xa Dăm và múa khỉ chằn cùng đi theo. Vào ban đêm, mọi người tập trung bên bờ sông, ao hồ để thả đèn. Đèn nước được trang trí rực rỡ, nhấp nháy, trôi nhẹ trên dòng nước. Lễ hội Lôi Protip không chỉ là biểu tượng của lòng kính trọng với Đức Phật và các vị thần, mà còn mang ý nghĩa xua đuổi xui xẻo, tai ương.
Theo vị Achar Thạch Thương, Trưởng Ban quản trị Chùa Sô Phon Ren Sây – Bưng Cro Chắp Thmây, xã Tân Hưng: “Theo truyền thuyết, trận cuồng phong làm rơi năm quả trứng của đôi quạ trắng xuống biển. Khi không tìm thấy trứng, đôi quạ đau buồn mà chết. Quạ trống tái sinh thành thần Indra, quạ mái tái sinh thành vợ của thần Indra. Năm quả trứng sau đó được gà, rắn Naga, rùa, bò và hổ nhặt về nuôi. Khi trứng nở, năm đứa trẻ được nuôi dưỡng và lớn lên. Khi trưởng thành, họ quyết định đi học đạo. Trước khi rời đi, các con vật dặn họ khi đạt thành tựu, hãy lấy tên loài vật làm một phần trong tên mình. Vì vậy, Hiền kiếp có năm vị Phật mang tên liên quan đến các loài vật: Kakusandha (gà), Konāgamana (rắn Naga), Kassapa (rùa), Koṇḍañña (bò), và Metteya (hổ). Một ngày nọ, thần Indra và vợ xuất hiện trong hình dạng đôi quạ trắng và nói: "Chúng ta là cha mẹ của các con." Năm người tiếc nuối vì không thể phụng dưỡng cha mẹ. Đôi quạ dặn: "Nếu muốn dâng cúng, hãy khắc dấu thập lên vật phẩm và thả trôi trên nước." Từ đó, tục thả đèn nước (Lôi Protip) ra đời.”
Nghi lễ Lôi Protip còn nhằm tưởng nhớ Xá lợi răng Phật tại Thủy Cung và dấu chân Phật tại nhánh sông “Num-mă-tea". Thượng tọa Thạch Thươl, Chi hội trưởng Chi hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú cho biết: “Người Khmer tổ chức lễ Lôi Protip để tạ ơn nước - yếu tố thiết yếu cho cuộc sống và nông nghiệp. Lễ hội cũng là dịp để tạ ơn và xin lỗi thần Đất, thần Nước, khi con người có thể vô tình gây ô nhiễm môi trường.” Đây không chỉ là nghi thức tôn giáo mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở cộng đồng về tầm quan trọng của thiên nhiên và môi trường.
Lễ hội Lôi Protip còn là dịp để người Khmer thể hiện tinh thần đoàn kết. Từ già đến trẻ, tất cả đều tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kết nối giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Lễ Lôi Protip của người Khmer là nét văn hóa đặc sắc, kết hợp hài hòa tín ngưỡng tôn giáo và cuộc sống. Ánh sáng lung linh của đèn Protip không chỉ soi rọi niềm tin mà còn thắp sáng những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Bài và ảnh: Sóc Ca